Tin tức

Áp lực gia tăng phương tiện giao thông của TP Hải Dương

05-01-24 | 2:32
Mặc dù hạ tầng giao thông ở TP Hải Dương từ vài năm nay đã được cải thiện, song đã bị quá tải do áp lực gia tăng phương tiện ngày càng mạnh mẽ và nhanh chóng.

Ùn tắc ở nhiều nơi

Chỉ vài năm trước đây, trên các tuyến đường ở TP Hải Dương hầu như không xảy ra ùn tắc, kể cả ở những con phố nhỏ. Nhưng hiện ùn tắc thường xuyên hơn ở nhiều tuyến phố, không chỉ vào giờ cao điểm mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Bình đã sinh sống ở phố Phạm Ngũ Lão từ hơn 20 năm qua nên nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng về tình hình giao thông trên con phố này. “Trước đây chỉ khi học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đến lớp hoặc tan trường thì đường mới bị ùn tắc nhẹ. Nhưng bây giờ chỉ cần một chiếc ô tô đỗ, dừng không sát vỉa hè thì cũng có thể gây ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các gia đình ở đây”, ông Bình nói.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương, toàn thành phố hiện có tổng số 284 đường, phố, đại lộ, quảng trường, trong đó có 30 đường, 246 phố. Ngoài ra còn có hàng trăm tuyến đường nội bộ của các phường, xã. Hầu hết các tuyến đường phố đều chật hẹp. Những con đường được coi là rộng rãi trong thành phố cũng có mặt cắt khiêm tốn. Mặt cắt đường Hồng Quang hiện là 34 m, đường Hoàng Hoa Thám 23,5 m; đại lộ Hồ Chí Minh 16 m, 17 m và 19 m…

Theo ông Vũ Minh Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương, từ năm 2008 đến nay, khi Bộ Xây dựng ban hành tiêu chí, quy chuẩn đô thị thì các quy hoạch của TP Hải Dương đều tuân thủ theo đúng các quy chuẩn này. Thế nhưng chục năm về trước, việc thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng được mức độ gia tăng của các phương tiện giao thông. Ở các khu dân cư, khu đô thị cũ, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng phương tiện của người dân. “Với tình hình gia tăng phương tiện như hiện nay, nếu không sớm triển khai các quy hoạch tổng thể thì ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở nội đô là khó tránh khỏi”, ông Nghĩa nói.

Vỉa hè bị chiếm dụng

Là thành phần quan trọng để giảm áp lực giao thông, nhưng hầu hết vỉa hè ở TP Hải Dương không phát huy tác dụng do bị lấn chiếm nghiêm trọng. Rất nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng khiến người dân phải đi bộ, dựng xe dưới lòng đường.

Cách đây hơn một năm, UBND TP Hải Dương đã ra quân rầm rộ giải tỏa vi phạm vỉa hè, song đến nay tình trạng lấn chiếm lại diễn biến phức tạp như cũ. Nhiều tuyến phố như Phạm Hồng Thái, Tô Hiệu, Trần Phú… hầu như vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. Các tuyến đường lớn như đại lộ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Hồng Quang, Thanh Niên… vỉa hè cũng bị chiếm dụng để bán quần áo, giầy dép. Một số người tiết lộ họ đều phải đóng từ 200.000 – 500.000 đồng mỗi tháng để có thể kinh doanh trên vỉa hè.

Ông Phạm Hữu Thái, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương thừa nhận tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang, vỉa hè trên địa bàn TP Hải Dương diễn ra phổ biến, thường xuyên. Đặc biệt là các tuyến phố trung tâm, người dân chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, treo biển quảng cáo. Thế nhưng công ty không có thẩm quyền xử phạt. Để giải quyết tình trạng này, công ty thường xuyên trao đổi, đối thoại hoặc làm công văn gửi đến UBND các phường, phối hợp cùng chính quyền tuyên truyền chống vi phạm lòng đường, vỉa hè nhưng kết quả còn rất hạn chế.

Theo một số cán bộ ngành giao thông vận tải, áp lực giao thông gia tăng ở tất cả các đô thị trong cả nước chứ không chỉ riêng TP Hải Dương. Nhưng tại TP Hải Dương, tình hình giao thông chưa quá căng thẳng nên cần đi trước một bước để giải tỏa áp lực. Đó là sớm rà soát để điều tiết, phân luồng, cấm ô tô hoặc mô tô, xe máy ra, vào một số tuyến phố.

Theo bản báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND TP Hải Dương làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt thì hiện nay mật độ đường trong khu vực nội thị của TP Hải Dương là 9,81 km/km2, chưa đạt yêu cầu so với tiêu chí đô thị loại I. Do vậy, thành phố cần tận dụng quỹ đất sẵn có để mở thêm một số con đường nhằm giải tỏa áp lực giao thông cho nội đô, tăng tính kết nối giữa các tuyến đường. Bố trí bãi đỗ xe mới; đưa phương tiện công cộng vào lưu thông ở nội thành. Cần rà soát, đề xuất cho thuê các đoạn vỉa hè để bảo đảm mỹ quan và có thêm nguồn thu đầu tư cho hạ tầng giao thông vốn còn nhiều hạn chế như hiện nay. Đồng thời, hạn chế việc xây dựng các khu dân cư cao tầng, xen kẹp ở lõi đô thị để giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.